Cô Lanh sẽ chỉ ra có 9 tư tưởng nuôi dạy con là đúng đắn nhưng hóa ra lại là sai lầm và lỗi thời mà các bậc phụ huynh nên thay đổi để phù hợp với sự biến chuyển của xã hội, để con có cơ hội được trải nghiệm, được lớn lên, và được trở thành người mà con mong muốn.
Cha mẹ nào cũng đều mong muốn con mình lớn lên sẽ trở thành người hạnh phúc và thành công. Vì vậy, hầu như ai cũng khắt khe rèn giũa cho con nên người. Chúng ta dạy con biết lắng nghe, làm theo lời người lớn bảo, khuyên răn con tập trung vào việc học, không lo chuyện bao đồng, không làm thêm làm nếm,…
Tuy nhiên, có 9 suy nghĩ tưởng là đúng đắn nhưng hóa ra lại là sai lầm và lỗi thời mà các bậc phụ huynh nên thay đổi để phù hợp với sự biến chuyển của xã hội, để con có cơ hội được trải nghiệm, được lớn lên, và được trở thành người mà con mong muốn.
-
“Bố mẹ sẽ cho con những gì tốt nhất”
Theo cô Lanh, một đứa trẻ hư có đặc điểm là không bao giờ quan tâm đến mong muốn của người khác.
“Những đứa trẻ này sẽ đòi bằng được những gì mà mình muốn, vào bất cứ khi nào mình cần”. Do đó, cha mẹ càng nuông chiều con bao nhiêu thì khi con lớn lên, bạn sẽ càng cảm thấy thất vọng bấy nhiêu. Vì khi trưởng thành, con sẽ trở thành một người thiếu trách nhiệm, sống ích kỷ, có kỹ năng xã hội kém, và sẵn sàng chà đạp lên người khác để đạt được mục đích của mình.
Cách tốt nhất cha mẹ cần làm là thiết lập ranh giới, xác định nhiệm vụ của con, chú ý đến cách cư xử và hành vi, cũng như không cho phép con thể hiện bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào đối với cha mẹ hoặc người khác.
-
“Làm con thì phải nghe lời cha mẹ”
Hầu như ai làm cha mẹ rồi thì cũng đều có câu cửa miệng: “Bố mẹ nói thì phải nghe chứ”. Nhưng có khi nào cha mẹ nghĩ rằng thói quen tuân lệnh và chơi theo luật của người khác đưa ra có thể gây hại cho con trong tương lai hay không?
Là một nhà tâm lý học, cô Lanh tin chắc chắn rằng những đứa trẻ ngoan ngoãn sau này sẽ biến thành những người lớn “ngoan ngoãn”.
Những người lớn ngoan ngoãn có đặc điểm thường không bao giờ biết tự đứng lên và họ có nhiều khả năng trở thành nạn nhân của những kẻ thích thao túng người khác, của những người không chung thủy. Họ chỉ biết thực hiện các mệnh lệnh mà không có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì, và họ cũng không chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Đó là lý do tại sao cha mẹ cần phải dạy con cách nói “Không” và cách bày tỏ ý kiến của mình.
-
“Con học được điểm 9,10 là học tốt, còn điểm trung bình là học dốt”
Coi trọng điểm số là cách cha mẹ khiến con phải chịu đựng áp lực lo lắng suốt đời vì “Hội chứng Học sinh Giỏi”. Do đó, việc cha mẹ cần phải giải thích cho con hiểu rằng thất bại là chuyện bình thường trong cuộc sống, nó không đại diện cho toàn bộ con người và năng lực của con. Thêm vào đó, cha mẹ cần lắng nghe và luôn yêu thương con trong mọi trường hợp.
Thất bại có lợi cho trẻ em vì nhiều lý do. Nó dạy cho trẻ cách đối phó với một tình huống tiêu cực, cung cấp kinh nghiệm sống có giá trị và sẽ giúp trẻ tìm ra giải pháp cho các tình huống khó khăn trong tương lai.
-
“Không được đánh nhau và không được đánh lại bạn”
Nếu cha mẹ cứ cố gắng nhồi nhét vào đầu con rằng trong mọi trường hợp, cho dù có bị người khác xúc phạm, thì con vẫn nên “dĩ hòa vi quý” – nghĩa là con sẽ chỉ im lặng và chịu đựng mà không nói lời nào. Cách dạy bảo này sẽ khiến con phải chịu thua thiệt trong nhiều tình huống cạnh tranh khi con lớn lên và bước vào đời.
Tuy nhiên, nói như vậy cũng không có nghĩa là ai làm gì con thì con làm lại họ như vậy. Cha mẹ nên nói cho con biết rằng bản thân con có quyền bảo vệ chính mình. Và nếu cha mẹ dạy con cách tự đứng lên là bạn đã tặng con một món quà có giá trị trọn đời.
-
“Việc của con bây giờ là học, còn những việc khác cứ để đấy cho mẹ”
Đây là một câu nói quen thuộc của các ông bố bà mẹ, chỉ tiếc nó là một suy nghĩ sai lầm. Cha mẹ nên hiểu rằng mình không thể sống đời với con mãi, rồi sẽ có lúc phải buông tay con ra để con đi, để con lớn, để con trưởng thành. Và bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều phải có các kỹ năng đa nhiệm và phải tự chịu trách nhiệm với tất cả mọi thứ trong cuộc sống của mình.
Do vậy, cha mẹ không nên bảo con chỉ lo tập trung vào một nhiệm vụ chính là học, còn bản thân mình thì cố gắng còng lưng ra giải quyết những vấn đề còn lại cho con. Trên thực tế, những kỹ năng sống chỉ có thể có được khi con chính là người trải nghiệm nó. Nếu được bảo bọc thái quá, con mãi mãi là một đứa trẻ trong hình hài của một người lớn.
-
“Con nên đi học đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông”
Giả sử sau khi con tốt nghiệp lớp 12, con không biết bản thân mình thích gì và muốn là nghề gì. Vì vậy, con chấp nhận lựa chọn ngành nghề mà cha mẹ đưa ra. Nếu tình huống này xảy ra, có nhiều khả năng, sau này con sẽ phải hối tiếc vì đã làm công việc mà mình không yêu thích. Để tránh điều này, cha mẹ không nên tạo áp lực quá lớn đối với con. Hãy cho con cơ hội được sắp xếp kế hoạch cuộc đời của mình.
Trên thực tế, ở nhiều quốc gia, các bạn trẻ được khuyến khích nghỉ học một năm sau khi tốt nghiệp bậc phổ thông trung học. Trong thời gian này, họ có thể tìm một công việc thực tập hoặc trải qua một số khóa học, nhưng quan trọng nhất là dành thời gian để suy nghĩ về kế hoạch của họ cho tương lai.
-
“Chỉ có bằng đại học mới giúp con thành công”
Bằng đại học có thể là một phần quan trọng trong việc đạt được thành công trong cuộc sống, nhưng không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định duy nhất. Có nhiều người thành công mà không có bằng đại học, và ngược lại, có người có bằng đại học nhưng không thành công.
Quan trọng hơn là khả năng, nỗ lực và sự kiên trì của mỗi người trong việc phát triển bản thân và đạt được mục tiêu của mình. Điều quan trọng nhất là khuyến khích con cái phát triển tư duy, kỹ năng và lòng kiên trì để tự tin và thành công trong cuộc sống.
-
“Con lo mà học đi, đừng có mà mải mê đi làm kiếm tiền”
Mặc dù việc học là quan trọng nhưng đi làm bán thời gian cũng mang lại cho con nhiều kinh nghiệm quý giá. Con sẽ biết cách kết nối với xã hội, thậm chí, con còn có thể định hướng được con đường sẽ đi trong tương lai. Vì khi con đi làm, dù làm bất kỳ công việc gì như gia sư hay phục vụ quán ăn…thì con đều phải học cách hoàn thành công việc đúng thời gian quy định, học cách lập danh sách những việc cần làm và nhận phản hồi từ những người quản lý. Con còn phải học cả kỹ năng giao tiếp, tư duy phê phán và tinh thần tự giác làm việc.
Chưa kể, ngày nay, các nhà tuyển dụng hiểu được giá trị của công việc làm thêm của các bạn học sinh, sinh viên, vì vậy sẽ rất tốt nếu nó có mặt trong hồ sơ xin việc của con và giúp con vượt qua được những ứng viên tốt nghiệp loại giỏi nhưng thiếu kinh nghiệm.
-
“Việc của người ta, không phải của mình, quan tâm làm gì”
Dạy con không nói quá nhiều, không quan tâm đến việc của người khác và không thể hiện làm nổi bật chính mình là phương thức nuôi dạy con thành một người lớn thờ ơ vô cảm với mọi vấn đề diễn ra xung quanh, không dám đứng lên thể hiện hay giành quyền lợi về cho bản thân khi bị chèn ép.