Tất cả chúng ta đều muốn trở thành những tấm gương tốt để con cái mình noi theo. Ai cũng mong con mình sẽ trở thành đứa trẻ ngoan, thông minh, tài giỏi và có khả năng tự lập. Ba mẹ chính là chìa khóa vàng trong suốt quá trình nuôi dạy con cái. Phương pháp nuôi dạy của ba mẹ sẽ có ảnh hưởng lớn tới tính cách cũng như hành vi của trẻ sau này. Chính vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, ba mẹ nên quan sát và tìm ra các nguyên tắc phù hợp để nuôi dạy con đúng cách.
Hãy trở thành tấm gương tốt cho con
Từ khi sinh ra, con cái đã gắn kết và gần gũi nhất với ba mẹ, nhờ có tình cảm và sự gắn bó mật thiết này mà việc con tiếp nhận kiến thức từ bố mẹ như một điều đương nhiên. Vì thế ba mẹ chính là tấm gương của các con và đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy một đứa trẻ ngoan và tự lập,
“Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”, khi nhìn vào hành động và tính cách của một đứa trẻ, bạn sẽ có thể thấy được phương pháp nuôi dạy của phụ huynh là đúng hay sai. Đừng bắt ép trẻ với những thứ bạn muốn trẻ làm, mà hãy để trẻ tự bắt chước theo hành động của ba mẹ. Thay vì khuyên con đọc sách rất tốt cho trí não, bạn hãy đọc sách thường xuyên để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ.
Cách ứng xử và giao tiếp của bố mẹ với người xung quanh cũng sẽ được trẻ được quan sát và học theo. Hãy để con hiểu được rằng, tôn trọng người khác cũng sẽ được người khác tôn trọng lại. Ba mẹ đừng bao giờ nói dối với trẻ và hãy dạy con tuyệt đối không được nói dối, Vì lời nói dối sẽ mang đến bao điều tai hại và khi nói dối quá nhiều sẽ trở thành thói quen xấu.
Trò chuyện và tương tác thường xuyên với trẻ
Việc ba mẹ thường xuyên chuyện trò với trẻ sẽ giúp củng cố khả năng giao tiếp và kỹ năng ngôn ngữ của trẻ. Con sẽ được tiếp thu và mở rộng thêm vốn từ, hoàn thiện và chỉnh chu hơn trong cách trình bày câu chuyện, ý kiến của mình. Ngoài ra, còn giúp hoạt động não bộ của trẻ trở nên linh hoạt và nhạy bén hơn.
Trò chuyện cũng chính là chìa khóa giúp gắn kết tình cảm giữa ba mẹ và con cái. Khi trẻ thường xuyên được ôm ấp, yêu thương và chơi đùa cùng ba mẹ sẽ giúp não bộ phát triển tốt hơn, trẻ ngoan ngoãn và lễ phép hơn. Điều này sẽ giúp cho trẻ cảm thấy mình được yêu thương, tôn trọng và trở nên tự tin hơn.
Không những vậy, việc tâm sự, trò chuyện những câu chuyện thường ngày cũng là cách giúp trẻ bày tỏ được vui, buồn trong lòng và là cách dạy con đúng cách mà bố mẹ nên áp dụng. Dù cuộc sống, công việc có bận rộn đến thế nào, ba mẹ cũng nên dành những khoảng thời gian nhất định và ưu tiên để chơi cùng với bé. Cùng bé chơi, cùng bé học hay chỉ đơn giản là trò chuyện cùng bé.
Ba mẹ nên biết cách tôn trọng tự do của trẻ
Việc áp đặt khuôn phép hay ép buộc trẻ không phải lúc nào cũng tốt, đặc biệt là trong quá trình giáo dục con cái. Ba mẹ cần nên cho con một chút tự do để sống cuộc sống của riêng trẻ như trẻ mong muốn. Đây là một bước thiết yếu của hành trình nuôi dạy con đúng cách. Khi con được tự do làm điều con thích, tự do thể hiện cá tính thì chắc chắn đó sẽ là một đứa trẻ hạnh phúc. Bạn hãy cho bé không gian tự do vui chơi, đừng lúc nào cũng kè kè bên cạnh, rồi quát mắng bé như “Học bài đi không chơi nữa”, “Con không được động vào đó”,”Không được trèo lên đó rất nguy hiểm”,…
Đây không phải là ba mẹ sẽ cho trẻ được tự do bay nhảy 100%. Mà thay vào đó, ba mẹ cho trẻ vui chơi dưới sự kiểm soát của mình và hãy quan sát nhằm đảm bảo rằng con vẫn đang được an toàn. Cách làm này sẽ giúp bé trở nên tự tin và kiên trì hơn, cố gắng theo đuổi mọi thứ chúng muốn. Khi trẻ xin phép ba mẹ điều gì đó, trước khi cho phép chúng, ba mẹ hãy đặt ra các quy tắc rõ ràng và hậu quả của việc vượt quy tắc. Điều này sẽ giúp có trách nhiệm hơn và nghe lời ba mẹ hơn.
Ba mẹ nên tôn trọng ý kiến của con
Việc tôn trọng và lắng nghe ý kiến của con cái không hề khó nhưng yêu cầu các bậc phụ huynh phải kiên nhẫn và biết giữ cái tôi của mình ở mức thấp nhất. Thật là tệ khi hai cái tôi quá lớn đi kèm với hai ý kiến trái ngược đang đối đầu nhau. Việc bắt ép bé làm theo ý mình sẽ khiến bé không có sự sáng tạo, không tự vận động suy nghĩ, bé trở nên thụ động vì mọi việc chỉ làm theo sự sắp xếp của bố mẹ.
Nếu ý kiến đó là hợp lý và không ảnh hưởng xấu đến con, ba mẹ hãy chấp nhận và cho bé tự thử thách bản thân mình. Hãy là một người ba người mẹ tâm lý để con có nhiều cơ hội phát triển hơn. Chính vì vậy, mỗi bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng bình tĩnh và học cách kiềm chế cái tôi của mình khi nói chuyện với con để tránh những cuộc cãi vã không mong muốn.
Ba mẹ hãy tán dương tính tự giác của con
Tự giác là một trong những đức tính tốt, ngoài việc dạy con cách tự giác, ba mẹ hãy nuôi dạy con đúng cách bằng việc tán dương chúng khi chúng thực hiện điều này. Ví dụ như việc bé tự giác soạn quần áo, sách vở, sắp xếp chăn gối khi thức dậy… Lời khen con cái mình là điều nên làm bởi một câu nói nhỏ cũng có thể đem lại giá trị trong hình thành sự tự tin cũng như khuyến khích bé tiếp tục duy trì thói quen tốt ấy.
Khuyến khích trẻ tự kiểm soát hành vi của mình
Tình trạng phổ biến hiện nay đó chính là khi các bé làm sai thứ gì đó ba mẹ thường có thói quen phạt trẻ. Thay vì vậy, ba mẹ hãy nghĩ đến việc tạo ra những điều kiện, những quy tắc để bé không được tái phạm. Cách nuôi dạy con này sẽ giúp bé rèn luyện được tính tự kiểm soát hành vi của mình để không phải làm sai các quy tắc mà ba mẹ đã đặt ra. Từ đó, giúp bé hình thành thói quen tự tìm cách và tự điều chỉnh hành vi của mình sao cho hợp lý nhất.
Khi trẻ hờn khóc, bạn hãy giữ bình tĩnh và giải thích cho trẻ biết việc đóng sầm cửa, ném đồ đạc… là những hành vi không thể chấp nhận được và sẽ gây nên rất nhiều hậu quả sau này. Hành động của ba mẹ sẽ cho trẻ biết việc cáu kỉnh và phẫn nộ sẽ không giúp cho trẻ có được điều mà chúng muốn. Để giúp trẻ loại bỏ cơn tức giận trong người ba mẹ có thể bảo bé hãy hít thở thật sâu hoặc đi bộ xung quanh nhà. Khi bạn thấy trẻ bình tĩnh trong những tình huống khó khăn, ba mẹ hãy khen ngợi và cho bé biết bé đã kiềm chế được cảm xúc giỏi như thế nào.
Ba mẹ hãy luôn nhẹ nhàng trong quá trình nuôi dạy con cái của mình
Trẻ con thường học hỏi bằng cách chúng sẽ bắt chước người khác và cha mẹ để làm hình mẫu chính của chúng. Việc bạn tử tế với trẻ nhỏ cũng chính là cách giúp chúng cư xử tử tế và tôn trọng người khác. Khi ba mẹ la mắng, thô tục hoặc gọi tên trẻ, đứa trẻ sẽ học và làm điều đó tương tự với người khác. Ngược lại, cho dù bạn có đang nóng giận nhưng bạn vẫn cư xử tử tế với trẻ. Trẻ sẽ học theo và cư xử với người khác bằng sự bình tĩnh và tôn trọng. Có một điều ba mẹ cần lưu ý đó là sự tử tế không phải là nhượng bộ, dễ dãi mà tử tế giúp trẻ bình tĩnh, dễ tiếp thu và dễ hợp tác hơn.
Bạn không cần phải nổi nóng, la mắng trẻ mà sự bình tĩnh cũng có thể giải quyết vấn đề một cách sâu sắc. Một giọng nói nghiêm khắc truyền tải sự tức giận trong khi một giọng nói cứng rắn truyền tải sự uy quyền. Hãy đặt ra các giới hạn và thực thi đúng với giới hạn đó để con bạn biết điều gì sẽ xảy ra khi có các hành vi sai trái và cần phải chịu trách nhiệm nếu làm sai.
Trong quá trình nuôi dạy con nhẹ nhàng, ba mẹ hãy nhớ rằng các mục tiêu của phương pháp này có thể không đạt được kết quả ngay lập tức. Để dạy con trở thành một người có những đặc điểm tích cực là một quá trình liên tục và bạn có thể không thấy kết quả của việc nuôi dạy con nhẹ nhàng chỉ sau một vài ngày và có thể lâu hơn thế.
Hãy chấp nhận sự bừa bộn từ con
Từ 6 tháng đến 3 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ phát triển nhanh chóng. Lúc này, tỷ lệ hoàn thiện não bộ của trẻ từ 80 – 90%, sự hoạt động cũng gấp đôi so với người lớn. Trẻ con luôn năng động và luôn tò mò khám phá thế giới xung quanh. Nên ba mẹ hãy để cho bé được vui chơi một cách thoải mái trong tầm kiểm soát.
Trong suốt hoạt động vui chơi, việc đồ chơi vương vãi khắp nơi là khó tránh khỏi. Ba mẹ có thể cho bé một góc chơi đùa dành riêng, để bé thỏa sức chơi trong lãnh địa bé nhỏ của mình. Nếu trẻ muốn vẽ, ba mẹ có thể lấy giấy dán lên tường và bảo bé chỉ được chơi trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, cách nuôi dạy con đúng cách là bố mẹ không nên quát mắng bé. Ba mẹ hãy làm gương và hướng dẫn trẻ thu dọn đồ, cất vào chỗ cũ. Điều này sẽ rèn luyện cho trẻ thói quen tự giác và ý thức ngăn nắp.
Ba mẹ hãy cho trẻ đi nhiều nơi và quan sát nhiều hơn
Cách nuôi dạy con thông qua những chuyến đi rất là bổ ích cho sự phát triển tư duy và trí thông minh của trẻ. Khi ba mẹ cho trẻ được đi nhiều nơi, trẻ sẽ có cơ hội được quan sát, khám phá và học hỏi nhiều điều mới. Ba mẹ hãy dành ra các ngày cuối tuần đưa trẻ đi những nơi như viện bảo tàng, sở thú và các địa điểm du lịch,…
Sau mỗi chuyến đi, cha mẹ hỏi lại con đã học được những gì, lắng nghe, chia sẻ cùng con và dạy con thêm về những kiến thức mới. Qua đó, giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, kỹ năng quan sát cho trẻ cũng như học thêm được nhiều điều mới về thế giới xung quanh. Cha mẹ luôn mong rằng sẽ dạy dỗ con nên người, dạy con phải sống khôn ngoan, biết nghe lời người lớn,…
Giáo dục con cái chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Một người có thể đạt được thành công hay không phụ thuộc 20% vào nỗ lực của bản thân và 80% phụ thuộc vào sự dạy dỗ của cha mẹ. Dù là thầy cô hay cha mẹ, chúng ta phải nắm bắt được hướng đi đúng đắn trên con đường giáo dục con trẻ thì mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
- 5 LOẠI HÌNH BẢO HIỂM, CHA MẸ NHẤT ĐỊNH PHẢI DẠY CON TRƯỚC TUỔI 18
- 4 lý do khiến cha mẹ và con cái ngày càng xa cách
- HẠNH PHÚC Ở NGAY TRONG TAY BẠN, ĐỪNG TÌM KIẾM Ở ĐÂU XA XÔI
- Những lầm tưởng phổ biến về cách nuôi dạy con ở tuổi thanh thiếu niên
- 3 câu nói của cha mẹ giúp cổ vũ tinh thần, nỗ lực của trẻ hiệu quả